Như nấm sau mưa
Theo Sở VH-TT&DL TP, hầu hết các khoảng không gian trên vách tường, mặt tiền nhà, sân thượng đều được tận dụng để treo biển quảng cáo với đủ màu sắc, kích cỡ. Trong đó, bảng quảng cáo làm sau luôn cố “ngoi” lên để cạnh tranh với bảng quảng cáo làm trước. Các hình thức quảng cáo đang phát triển rầm rộ với muôn hình vạn trạng: quảng cáo bằng tấm lớn, quảng cáo bằng bảng biển, bằng panô chân trụ, băngrôn, quảng cáo đặt trên nóc nhà, quảng cáo ốp tường, bảng hiệu, hộp đèn... Thậm chí một số mặt hàng cấm như rượu mạnh, thuốc lá cũng đang được quảng cáo công khai... Trên các bảng quảng cáo, những sai phạm dễ nhận thấy nhất là: không ghi số giấy phép hoặc không có giấy phép, bảng quảng cáo vượt quá diện tích quy định, nhô khỏi tường nhà, quảng cáo bằng tiếng nước ngoài, hoặc chữ nước ngoài lớn hơn tiếng Việt... “Chưa xét về nội dung quảng cáo, nhưng về mặt quy hoạch là thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về kích cỡ, bảng to nhỏ, cao thấp, mới cũ đan xen làm mất mỹ quan đô thị và thiếu an toàn, nhất là an toàn về phòng cháy chữa cháy...” - bà Nguyễn Hồng Linh, đại diện Sở VH-TT&DL TP, nhìn nhận.
Cũng theo Sở VH-TT&DL TP, chỉ riêng trong năm 2012 TP đã tiến hành 718 đợt kiểm tra bảng quảng cáo, bảng hiệu, xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền lên tới hơn 7,98 tỉ đồng. Theo khảo sát của Sở VH-TT&DL TP, có tới 90% người sử dụng bảng hiệu không biết các quy định của Nhà nước về sử dụng bảng hiệu, nên tự đặt theo ý muốn của mình.
Xử lý nan giải
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL TP, hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo chưa hiệu quả. Ngoài những nguyên nhân “quen thuộc” như: lực lượng mỏng, địa bàn rộng, chế tài xử lý không đủ mạnh..., các đại biểu cũng đề cập những hạn chế, bất cập của các quy định hiện nay. Cụ thể, trong cưỡng chế, xử phạt, nghị định 37/2005 của Chính phủ yêu cầu phải có đại diện của cơ quan công an, chính quyền địa phương. Theo các đại biểu, quy định này gây khó khăn cho công tác thanh tra vì sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo diễn ra thường xuyên, không phải lúc nào cũng triệu tập được đầy đủ đại diện các ban ngành liên quan để tiến hành cưỡng chế.
Các đại biểu cũng nêu ra một bất cập là Luật quảng cáo đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 (trong đó quy định về việc viết, đặt, treo gắn và kích thước biển hiệu), nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo nên các quận, huyện chưa thể xử phạt các hành vi vi phạm đúng theo quy định của pháp luật...
Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, phó chủ tịch UBND Q.10, cho rằng việc xử lý người vi phạm trong quảng cáo rất khó. Khi khảo sát tại các quận 1, 5, 10, đoàn đại biểu HĐND TP cũng nhận được nhiều ý kiến phản ảnh tình trạng các chủ kinh doanh bỏ trốn hoặc bỏ luôn bảng hiệu, bảng quảng cáo khi bị xử lý, rồi nhanh chóng xin giấy phép kinh doanh với một cái tên khác ở cùng địa điểm đó. Ông Phạm Thành Kiên, phó chủ tịch UBND Q.1, cho rằng thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay rất đơn giản, cơ quan chức năng cũng không thể từ chối được. Về vấn đề này, ông Võ Sĩ, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP, nói: “Sở chỉ có năm ngày để thẩm định và giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh. Dù rất cần số liệu, thông tin nhưng làm không kịp nên có tình trạng cùng một địa chỉ mà nhiều đơn vị cùng đăng ký”.
“Vậy có xử lý được không?” - đại biểu Huỳnh Công Hùng, trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP, đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi này, đại diện các sở, ngành và các quận đều cho rằng xử lý tình trạng các chủ kinh doanh bỏ trốn khi bị xử lý vi phạm rất nan giải. “Đây là câu chuyện 15 năm chưa có lời giải, cũng chưa có thông lệ. Tôi đề nghị TP nên có quyết định tạm thời áp dụng trong vòng 1-2 năm để xử lý vấn đề này cũng được vì nếu mình buông ra thì sau này khắc phục càng khó hơn” - ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP, nói.