Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 3879 yêu cầu Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện việc viết, đặt biển hiệu đảm bảo theo quy định. Đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý những vi phạm trong việc viết, đặt biển hiệu không đúng nơi quy định. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tổng hợp kết quả báo cáo tình hình về UBND tỉnh trước ngày 30/8/2013.
Chợ đêm Hạ Long với dòng “chú thích” bằng chữ Trung Quốc lớn hơn chữ Việt (trái) và sau khi thay biển hiệu mới (phải)
Ghi nhận của phóng viên trong mấy ngày qua, nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm dọc tuyến đường Bãi Cháy đã gỡ bỏ chữ Trung Quốc có trên biển hiệu. Hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên, biển hiệu cũng không còn chữ Trung Quốc.
Trên tấm biển hiệu nhà hàng Hải Ninh, dòng chữ Trung Quốc đã được chủ nhà hàng dán đè lên bằng tờ giấy trắng. Bà Ninh, chủ cửa hàng cho biết, năm 2010, khi mở cửa hàng ăn, bà không biết đến quy định của Luật Quảng cáo, trên cùng một sản phẩm, chữ Trung Quốc không được quá ba phần tư chữ tiếng Việt. Do vậy, bà đã lắp đặt biển hiệu có chữ Trung Quốc to hơn chữ tiếng Việt với hy vọng sẽ “hút” được khách đi đường vào quán.
“Khoảng 4 ngày trước, bên Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch có gửi cho chúng tôi văn bản yêu cầu gỡ bỏ chữ Trung Quốc có trên biển hiệu, chúng tôi cũng không phản đối gì. Tuy nhiên, do mấy ngày hôm nay trời mưa nên chúng tôi sử dụng phương án tạm thời dùng tờ giấy trắng dán đè lên chữ Trung Quốc. Khi trời nắng, tôi sẽ gỡ bỏ chữ Trung Quốc hoặc thay lại biển hiệu”, bà Ninh nói.
Theo bà Ninh, việc làm lại biển khá tốn kém, lại mất nhiều thời gian. Do đó, nhiều nhà hàng như nhà bà mới chỉ chọn phương phán dán đè giấy trắng lên chữ Trung Quốc. Còn ở một số biển hiệu như Chợ đêm Hạ Long, chủ cơ sở có điều kiện nên họ đã gỡ bỏ biển hiệu ngay khi có công văn của Sở yêu cầu.
Nhiều nhà hàng trên tuyến đường Bãi Cháy thay biển hiệu mới, chữ Trung Quốc có trên biển hiệu đã nhỏ hơn chữ tiếng Việt
Quán tạo mẫu tóc chọn phương án dán giấy trắng đè lên chữ Trung Quốc
Siêu thị Thanh Niên trên tuyến đường du lịch Bãi Cháy trước đây cũng trưng biển hiệu có dòng chữ Trung Quốc lớn hơn chữ tiếng Việt. Tuy nhiên, sau khi Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch có yêu cầu, đơn vị này đã gỡ bỏ chữ Trung Quốc trên biển hiệu.
Anh Hải, quản lý của siêu thị cho biết, ở khu du lịch Bãi Cháy, khách nước ngoài đông nên khi lắp biển hiệu, chủ cơ sở như anh chỉ nghĩ gắn chữ Trung Quốc to hơn một chút để khách nước ngoài dễ nhận biết, chứ anh không biết đến quy định của Luật Quảng cáo.
“Sau khi có công văn của Sở, chúng tôi đã tháo gỡ chữ Trung Quốc trên biển hiệu. Hiện tại, trên biển hiệu ở siêu thị của chúng tôi chỉ có dòng chữ tiếng Việt”, anh Hải nói.
Siêu thị Thanh Niên đã gỡ bỏ chữ Trung Quốc có trên biển hiệu
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, ông Ðoàn Mạnh Linh cho biết, ngay sau khi Khampha.vn đưa tin ngày 12/7, Sở đã phối hợp với các địa phương chấn chỉnh sai phạm trên. Sở đã có văn bản gửi tới các hộ dân kinh doanh, chủ nhà hàng, siêu thị… gỡ bỏ chữ Trung Quốc có trên biển hiệu sai quy định.
Ngày 13/7, một đoàn công tác của Sở được thành lập và đã ra quân dẹp các biển quảng cáo sai phạm.
Trên biển hiệu của siêu thị hoa quả, dòng chữ Trung Quốc nhỏ hơn chữ tiếng Việt
“Hiện nay, về cơ bản, những biển quảng cáo sai quy định chạy dọc tuyến đường Bãi Cháy của TP. Hạ Long đã được dẹp bỏ. Đặc biệt, các địa điểm thu hút khách du lịch như: Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên... không còn những biển quảng cáo chữ Trung Quốc”, ông Linh nói.
Theo ông Linh, Sở sẽ có những biện pháp tuyên truyền để người dân kinh doanh đúng pháp luật. Ngoài ra, nếu cá nhân, chủ cơ sở cố tình vi phạm không gỡ bỏ chữ Trung Quốc có trên biển hiệu, Sở sẽ xử lý nghiêm theo luật. Và việc kiểm tra biển hiệu ở các cơ sở kinh doanh sẽ được tiến hành thường xuyên trong một thời gian dài.