Luật Quảng cáo của nước ta quy định rõ tiếng nói và chữ viết thể hiện nội dung quảng cáo phải bằng tiếng Việt. Cũng theo luật, nội dung quảng cáo chỉ được sử dụng tiếng nước ngoài khi thể hiện nhãn hàng hóa, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài cùng những từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Nếu các biển hiệu quảng cáo sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài áp dụng vào những trường hợp nêu trên và được phép thì khổ chữ nước ngoài không được lớn hơn 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới tiếng Việt.
Mặc dù luật đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay, nhưng tình trạng vi phạm quảng cáo biển hiệu có tiếng nước ngoài vẫn đang diễn ra, thậm chí là khá phổ biến ở một số địa phương, nhất là tại các điểm đến du lịch, trung tâm kinh doanh dịch vụ hoặc đang có những dự án do nước ngoài thực hiện như Móng Cái, Hạ Long, Ðông Triều (Quảng Ninh), Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Ninh Thuận), TP Hồ Chí Minh... Có những nơi, mặt đường chính và cả khu phố gần như tràn ngập biển hiệu, biển quảng cáo kinh doanh sử dụng 100% tiếng nước ngoài. Phần lớn các biển hiệu, bảng quảng cáo bằng tiếng nước ngoài có diện tích lớn, được thể hiện nổi bật, bắt mắt. Trong khi đó, các sản phẩm quảng cáo nào dùng cả hai thứ tiếng thì tiếng Việt thường bị lấn át về cỡ chữ thậm chí có biển, bảng còn đặt cả tiếng Việt bên dưới tiếng nước ngoài. Việc sử dụng tràn lan tiếng nước ngoài trong quảng cáo biển hiệu đã tạo nên các hình ảnh phản cảm, gây bức xúc và dư luận không tốt trong xã hội khi rời xa ngôn ngữ, thiếu tôn trọng tiếng nói, chữ viết và văn hóa dân tộc. Có những nơi dường như đã và đang trở thành xa lạ đối với người Việt Nam chính từ sự lạm dụng này.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm quảng cáo biển hiệu sử dụng tiếng nước ngoài có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã buông lỏng quản lý, không tuyên truyền, giáo dục kịp thời để nâng cao hiểu biết pháp luật trong nhân dân. Khá nhiều chủ cơ sở, đơn vị kinh doanh không hiểu rõ các quy định của Luật Quảng cáo liên quan đến biển hiệu và chỉ nghĩ đơn giản là để thuận tiện trong giao dịch với đối tác, khách hàng hay với du khách nước ngoài. Ngoài ra, có một số người ý thức kém, đã cố tình vi phạm vì lợi nhuận kinh doanh, thậm chí còn phản ứng lại cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Có nơi, do thấy không bị nhắc nhở, xử lý, lại còn đua nhau bắt chước trưng biển, bảng quảng cáo dùng tiếng nước ngoài ngày càng nhiều.
Ðể giải quyết tình trạng nêu trên cần sự chung tay quyết liệt của các cơ quan quản lý thị trường và văn hóa với những quy định chế tài mạnh, đủ sức răn đe. Trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo. Bên cạnh đó, trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, nên ban hành mức xử phạt cao hơn bởi mức phạt hiện tại là quá thấp khiến nhiều cá nhân, cơ sở và đơn vị kinh doanh có dấu hiệu coi thường pháp luật. Ðối với những đơn vị cố tình vi phạm quảng cáo biển hiệu tiếng nước ngoài, các cơ quan quản lý cần áp dụng biện pháp mạnh là không cấp giấy phép quảng cáo tiếp theo hoặc nếu cần thu hồi giấy phép kinh doanh...
Ði đôi với việc triển khai thực hiện các biện pháp hành chính, cần thúc đẩy công tác vận động, giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, đề cao sự tự tôn, tình yêu với chữ viết và văn hoá dân tộc; góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thông qua đó, tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi phê bình và lên án các việc làm vi phạm.